Mọi người đều sống dưới nguồn
Everybody Lives Downstream
World Water Day 03-22-1999
DẪN NHẬP.
Khi mà Trung Quốc đã và còn đang tiếp tục xây những con đập thủy điện
khổng lồ chắn ngang dòng chính sông Mekong, tiếp đến Thái Lan có kế hoạch
chuyển dòng lấy nước từ sông Mekong ngay cả trong mùa khô, cộng thêm nạn
phá rừng rồi phá đá để mở rộng một thủy lộ cho tàu trọng tải 700 tấn chở
đầy hàng hóa của Trung Quốc từ giang cảng Tư Mao xuống tới Vạn Tượng...
Cho dù chưa có dự án nào tới giai đoạn kết thúc, nhưng nơi các quốc gia
hạ nguồn và nhất là Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bắt đầu chịu những
hậu quả "nhãn tiền": như những cơn lũ bất thường trong mùa mưa,
nạn thiếu nước ngọt và nhiễm mặn trầm trọng hơn trong mùa khô, tôm cá
sút giảm tới mức báo động về số lượng cũng như số chủng loại. Ngót 18
triệu cư dân vùng ĐBSCL đang và sẽ phải làm gì để thích nghi và sống còn?
Đó là nội dung bài viết của nhà văn Ngô Thế Vinh, tác giả cuốn Cửu Long
Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng. Trong những năm qua, ông cùng với Nhóm Bạn
Cửu Long đã có nhiều bài viết báo động về một ĐBSCL và con sông Mekong
trước nguy cơ. Ông cũng đã thực hiện những chuyến đi khảo sát các khúc
sông thượng nguồn và đã có bài viết tường trình trực tiếp từ con đập Mạn
Loan - là con đập thủy điện lớn đầu tiên trong dự án 14 con đập Trung
Quốc chắn ngang sông Lan Thương. Ông hiện là bác sĩ điều trị và giảng
huấn tại một bệnh viện ở Nam California.
MỘT GIẤC MỘNG LỠ
Từ thập niên 40, các nhà xây đập Mỹ đã quan tâm tới tiềm năng thủy điện
của con sông Mekong. Năm 1957, giữa thời kỳ chiến tranh lạnh, với bảo
trợ của Liên Hiệp Quốc, một Ủy Ban Sông Mekong [Mekong River Committee]
được thành lập bao gồm 4 nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Nam Việt Nam với
một văn phòng thường trực đặt tại Bangkok. Khi soạn thảo kế hoạch phát
triển sông Mekong, Liên Hiệp Quốc đã chia Lưu Vực Lớn sông Mekong [GMS,
Greater Mekong Subregion] thành hai tiểu lưu vực :
Lưu Vực Trên (Upper Basin) thuộc Vân Nam Trung Quốc, Lưu Vực Dưới (Lower
Basin) thuộc 4 quốc gia hạ nguồn. Hai tiểu lưu vực cách nhau bởi khu Tam
Giác Vàng, là vùng ba biên giới thuộc các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào.
Hình 1 : Lưu Vực Lớn Sông Mekong GMS
Kế hoạch phát triển Lưu Vực Dưới sông Mekong của Liên Hiệp Quốc như một
"Giấc Mộng Lớn" đầy tham vọng, nhằm cải thiện cuộc sống cho
toàn thể cư dân sống trong lưu vực. Cho dù có một nửa chiều dài sông Mekong
chảy qua Vân Nam nhưng Trung Quốc lúc đó còn là một quốc gia khép kín
và ít được nhắc tới.
Nhưng rồi, Chiến Tranh Việt Nam đã lan rộng ra cả ba nước Đông Dương
qua hơn ba thập niên, Thái Lan tuy không trực tiếp tham chiến nhưng cũng
đã là một hậu cần của Mỹ trong suốt cuộc chiến, nên kế hoạch xây dựng
các đập thủy điện lớn như Pa Mong, Sambor, Khemmerat trên dòng chính sông
Mekong vùng hạ lưu, và các chương trình khai thác khác đã phải gián đoạn,
khiến cho con sông Mekong không còn giữ được sự nguyên vẹn thêm một thời
gian nữa. "Giấc Mộng Lớn đã trở thành Giấc Mộng Lỡ" trên một
vùng đất đai còn nhiều máu me và chưa có hòa bình.
GIỮA NHỮNG CÁNH ĐỒNG CHẾT
Tuy chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, nhưng vẫn còn một cuộc chiến
diệt chủng diễn ra trên Xứ Chùa Tháp. Không có Cam Bốt, một Ủy Ban Mekong
Lâm Thời [Mekong Interim Committee] được thành lập năm 1978, với hoạt
động rất hạn chế. Cũng trong thời gian này, Thái Lan có kế hoạch chuyển
dòng sông Mekong nhằm đưa một lượng nước lớn bơm tưới cho vùng đông bắc
Thái khô hạn nhưng gặp sự chống đối của Việt Nam. Thái Lan đi tới phủ
nhận tính cách pháp lý của Ủy Ban Sông Mekong, viện lý do là tổ chức này
đã không còn phù hợp với những thay đổi về chánh trị, kinh tế và xã hội
trong vùng. Trong điều kiện phân hóa như vậy, Ủy Ban Mekong Lâm Thời hầu
như bị tê liệt.
NHƯ MỘT BIẾN THỂ VÀ XUỐNG CẤP
Bước vào thời bình, con sông Mekong đã trở thành mục tiêu khai thác của
6 quốc gia trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong [GMS, còn được gọi là Tiểu Vùng
Sông Mekong Mở Rộng]. Cùng là những quốc gia ven sông nhưng mỗi nước lại
có những ưu tiên phát triển khác nhau với những quyền lợi mâu thuẫn. Do
đó, phục hồi một tổ chức điều hợp liên quốc gia tương tự như Ủy Ban Sông
Mekong trước đây là cần thiết.
Ngày 05 tháng 04 năm 1995, 4 nước hội viên gốc của Ủy Ban Sông Mekong
đã họp tại Chiang Rai, bắc Thái, để cùng ký kết một "Hiệp Ước Hợp
Tác Phát Triển Bền Vững Hạ Lưu Sông Mekong" và đổi sang một tên mới
là Ủy Hội Sông Mekong [Mekong River Commission] với một thay đổi cơ bản
trong Hiệp Ước mới này "thay vì như trước đây, mỗi hội viên trong
Ủy Ban Sông Mekong có quyền phủ quyết bất cứ một dự án nào bị coi là có
ảnh hưởng tác hại tới dòng chính sông Mekong" thì nay, theo nội quy
mới không một ai có quyền như vậy và trong ngôn từ để chuẩn y các dự án
cũng rất là mơ hồ như chỉ qua thông báo và tham khảo.
Ủy Hội Sông Mekong gồm 3 cơ cấu: Hội Đồng Đại Diện, Ủy Ban Hỗn Hợp, Văn
Phòng Thường Trực, hiện có văn phòng đặt tại Vạn Tượng. Riêng Ủy Hội Quốc
Gia Sông Mekong Việt Nam có văn phòng đặt tại phố Hàng Tre Hà Nội, thuộc
châu thổ Sông Hồng.
Có thể nói Ủy Hội Sông Mekong là "biến thể và xuống cấp" của
Ủy Ban Sông Mekong trước kia. Khác với tham vọng chiến lược ban đầu của
Ủy Ban Sông Mekong nhằm khai thác tiềm năng sông Mekong cho sự thịnh vượng
của toàn vùng, nay mục tiêu của Ủy Hội Sông Mekong có phần khiêm tốn và
thu hẹp hơn nhiều.
Ủy Hội Sông Mekong sau 10 năm hoạt động [1995-2005], cũng đạt được vài
thành quả ban đầu như đi tới thỏa thuận chia xẻ thông tin giữa 4 nước
thành viên, thiết lập đưa vào sử dụng "mạng lưới internet" tiên
đoán lũ lụt và theo dõi dòng chảy mùa khô; và ký kết được một thỏa ước
[tháng 4, 2002] có thể gọi là lịch sử nhằm trao đổi dữ kiện thủy văn [hydrological
data exchange agreement] với Trung Quốc và Ủy Hội Sông Mekong v.v. (1)
THẮT NGHẼN MẠCH SỐNG - TRUNG QUỐC NGĂN SÔNG
Chiến lược ngăn sông Mekong để xây 14 con đập bậc thềm Vân Nam của Trung
Quốc
đã có từ thập niên 70, đây có thể coi là một đòn giáng chí tử trên mạch
sống của dòng sông. Trong ba thập niên vừa qua, Trung Quốc đã ào ạt khai
thác con sông Lan Thương [tên Trung Quốc của con sông Mekong], bằng cách
xây các đập thủy điện khổng lồ chắn ngang dòng chính làm ảnh hưởng tới
nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa và cả gây ô nhiễm cho hạ nguồn.
Tuy chỉ mới có 2 con đập hoàn tất [Mạn Loan 1500 MW, Đại Chiếu Sơn 1350
MW] , 2 đang xây [Tiểu Loan 4200 MW, Cảnh Hồng 1350 MW] trong dự án Mười
Bốn Con Đập Vân Nam, vậy mà chưa bao giờ trong Mùa Khô, mực nước con sông
Mekong lại có thể xuống thấp đến như vậy.
Hình 2 : Chuỗi 14 Đập Bậc Thềm Vân Nam
Ở một số nơi, có những khúc sông hầu như cạn dòng và đã trơ đáy. Nguồn
cá và nông nghiệp đã trực tiếp bị ảnh hưởng. Không chỉ đơn giản vì "thiếu
mưa", sự kiện sông Mekong cạn dòng năm 1993 mà không vào Mùa Khô,
trùng hợp với thời điểm Trung Quốc bắt đầu lấy nước vào con đập thủy điện
đầu tiên Mạn Loan ngang dòng chính sông Mekong trên Vân Nam.
Để có đủ nước vận hành 2 đập thủy điện Mạn Loan và Đại Chiếu Sơn, Trung
Quốc đã thường xuyên đóng các cửa đập khiến mực nước sông đã xuống tới
mức thấp nhất.
Tại Lào, trong tháng 3/2004 , tổ chức du lịch đã phải hủy bỏ 10 chuyến
du ngoạn trên sông chỉ vì những khúc sông quá cạn. Phía bên Thái Lan,
Odd Bootha 38 tuổi, anh lái đò bến Chiang Khong Bắc Thái đã phải than
thở : "Nếu Trung Quốc cứ xây thêm đập thì sông Mekong chỉ còn là
một con lạch." Chainarong Sretthachau, giám đốc Mạng Lưới Sông Đông
Nam Á [Southeast Asia Rivers Network] cho rằng "Trung Quốc đã có
quyền lực để kiểm soát dòng sông Mekong." (2)
Do nhu cầu điện của Trung Quốc tăng 5-6% / năm, để đáp ứng tốc độ phát
triển kinh tế, trước viễn tượng nguồn dầu khí ngày càng cạn kiệt, Trung
Quốc gia tăng tốc độ xây thêm các lò điện nguyên tử, từ 1 tới 2 lò mới
mỗi năm, bất chấp mọi hậu quả (National Geographic, Aug 2005).
Đi xa hơn nữa, chỉ mới đây thôi, nếu không gặp sự chống đối mạnh mẽ từ
các nhà lập pháp Mỹ, Công Ty Dầu Khí Nhà Nước Trung Quốc (Cnooc/Chinese
National Offshore Oil Corp.) đã thành công mua đứt Unocal, công ty dầu
khí lớn thứ hai của Mỹ với 18.5 tỉ Mỹ kim để sở hữu nguồn dầu khí chiến
lược và cả khống chế quyền khai thác các túi dầu trên toàn Biển Đông.
[NY Times, Aug 3, 2005]. Với khát vọng vô hạn về năng lượng, rõ ràng không
có dấu hiệu nào Trung Quốc sẽ dừng bước hay chậm lại kế hoạch khai thác
nguồn thủy điện phong phú của con sông Mekong.
Nhận định về các kế hoạch khai thác sông Mekong của Trung Quốc, Tyson
Roberts thuộc Viện Nghiên Cứu Nhiệt Đới Smithsonian [Mỹ] đã phát biểu:
"Xây các đập thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại
quá tải sẽ giết chết dòng sông... Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ
làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong
đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử và các con sông lớn khác
của Trung Quốc." (3)
Với Cam Bốt, ai cũng biết rằng trái tim Biển Hồ chỉ còn đập khi con sông
Tonle Sap còn duy trì được dòng chảy hai chiều theo mùa. Trong mùa lũ,
sông Mekong phải đủ nước chảy ngược vào Biển Hồ, như một "điều kiện
sống còn" cho nguồn cá và vựa lúa của người dân xứ Chùa Tháp. Nhưng
chưa hề có bảo đảm nào cho một tương lai như vậy. Thủ Tướng Hunsen, nhân
buổi lễ thả cá giống vào một hồ ở phía đông Cam Bốt, đã tỏ ra thỏa mãn
với tình hình khai thác con sông Mekong như hiện nay, nhất là với nước
lớn Trung Quốc, theo ông "sẽ chẳng có vấn đề gì phải quan tâm."
Trước khi bay sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, ông Husen đã công
khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh, gần như vô điều kiện đối với kế hoạch
khai thác sông Mekong, cho dù điều ấy đi ngược lại ý kiến quan ngại gần
như báo động của các chuyên gia bảo về môi sinh. Đi xa hơn thế nữa, ông
Hunsen còn cho rằng "ý kiến chỉ trích chỉ để chứng tỏ là họ chú ý
tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm ngăn chặn sự
hợp tác nên có giữa 6 quốc gia." [AFP, 6/29/05]. Chỉ vì sự thiển
cận và chút quyền lợi rất ngắn hạn [trước đó Bắc Kinh cho Nam Vang vay
30 triệu Mỹ kim, cộng thêm với 70 triệu Mỹ kim nữa để cải thiện hệ thống
quốc lộ]. Hunsen đã dễ dàng hy sinh một dòng sông và một Biển Hồ như mạch
sống và trái tim của cả một đất nước Cam Bốt. (4)
Nói gì đi nữa thì Bắc Kinh vẫn cứ đi thênh thang trên con đường đã vạch
ra của mình. Trong hai ngày 4-5 tháng Bảy vừa qua [2005], từ thủ phủ tỉnh
Vân Nam, trong ánh điện rực sáng tỏa ra từ những tòa nhà cao ốc do nguồn
thủy điện từ con đập Mạn Loan trên sông Mekong, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn
Gia Bảo đã nói thẳng trước Hội Nghị Thượng Đỉnh 6 nước thuộc Lưu Vực Lớn
Sông Mekong họp lần Hai tại Côn Minh rằng:
"Đừng quá trông cậy lệ thuộc vào Trung Quốc trong khi Trung Quốc
chủ yếu dựa vào sức mình là chính trong tiến trình phát triển... Cho dù
có tiến bộ kinh tế đã đạt được nhưng cũng phải khiêm tốn để thấy rằng
lợi tức tính trên mỗi đầu người ở Trung Quốc vẫn chỉ được sắp hạng dưới
100 so với các nước phát triển khác trên thế giới." (5)
Bảo vệ môi trường nếu có được nhắc tới hơn một lần trong hội nghị chỉ
"như một khẩu hiệu", trong khi Trung Quốc vẫn không ngừng xây
hàng loạt những con đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, đang gây
rất nhiều quan ngại của các chuyên gia môi sinh với ảnh hưởng tác hại
khó lường đối với nguồn nước nơi hạ nguồn.